Vượt trên quốc tịch và hướng tới Nước Chúa -Bản Tu Bổ

Print

Về việc tái xuất bản “Vượt trên quốc tịch để hướng tới Nước Chúa” Uỷ ban Giám Mục về Xã Hội của Hội đồng Giám […]

Về việc tái xuất bản “Vượt trên quốc tịch để hướng tới Nước Chúa”


Uỷ ban Giám Mục về Xã Hội của Hội đồng Giám Mục Nhật Bản ngày mùng 5 tháng 11 năm 1992 đã phát biểu thông điệp “Vượt trên biên giới quốc tịch để hướng tới Nước Chúa”, và ngày 20 tháng 1 năm 1993 đã soạn một tập sách nhỏ kêu gọi toàn thể giáo hội Nhật Bản.

Thời điểm đó là lúc người di cư ngoại quốc đang tăng vọt và số giáo dân ngoại quốc đến nhà thờ ngày càng thêm đông. Để đáp ứng việc này, các thánh lễ bằng tiếng ngoại quốc bắt đầu được thực hiện. Đối với giáo dân Nhật, một mặt được vui mừng vì sự gia tăng bạn hữu cùng tín ngưỡng, nhưng cũng bắt đầu cảm thấy lo ngại việc đón nhận các văn hoá khác lạ. Tại một số giáo xứ địa phương số giáo dân ngoại quốc tham dự thánh lễ đông hơn giáo dân Nhật, có nơi bắt đầu cảm thấy lo ngại việc giáo xứ biến thành trung tâm của người ngoại quốc. Trong tình huống như thế, giáo hội Nhật Bản được kêu gọi làm quen với những suy tư trên, và đón nhận người tỵ nạn, di dân di cư như thể bạn hữu.

Kể từ đó đến nay đã hơn 20 năm, tình huống của người ngoại quốc đã thay đổi thật nhiều. Sau cơn khủng hoảng Lehman Brother đã có nhiều người rời bỏ Nhật trở về nước, nhưng số người định cư theo diện kết hôn quốc tế gia tăng, thế hệ những người di cư lao động đang bắt đầu thay thế. Các dịch vụ ở tầng cấp hành chánh tự trị (chính quyền địa phương) cũng được bổ sung thêm. Nhưng mặt khác, như việc phát ngôn thù ghét (hate speech) do sự lan rộng về chủ nghĩa bài ngoại hoặc từ sự kỳ thị người ngoại quốc, do đối sách cho người tỵ nạn của chính phủ, nhiều điều trước giờ chẳng thay đổi, mà còn trở nên tồi tệ hơn.

Để giúp giáo dân ở Nhật suy nghĩ về sự hiện diện của một cộng đoàn tín hữu đa văn hoá, đa quốc tịch, Uỷ Ban Giám Mục về Xã Hội và Uỷ Ban Tỵ Nạn Di Cư Di Trú tái xác nhận những phần mà tình huống đã thay đổi so với bản đầu tiên, thêm thắt sửa đổi, giải thích và bổ túc một phần văn bản cũ, và cho tái bản tập sách nhỏ này. Mong mọi người cùng xem xét tình huống của thời trướ so với hiện tại, để cùng chia sẻ trong cộng đoàn, suy nghĩ và đem ra hành động về những điều đã thực hiện, những việc đến giờ vẫn chưa thể làm, cũng như những gì đang trở thành đề tài mới cho những năm tháng tới.

Ngày 25 tháng 9 năm 2016.

Hội đồng Giám Mục Nhật Bản, Uỷ Ban Giám Mục về Xã Hội
Trưởng ban, Hamaguchi Sueo


Vượt trên quốc tịch và hướng tới Nước Chúa -Bản Tu Bổ

Hội Đồng Giám Mục Nhật Bản
Uỷ Ban Giám Mục về Xã Hội

Anh Chị Em thân mến,

Giáo Hội nồng nhiệt chào đón mọi kẻ lữ hành và có sứ mạng phục vụ họ. Chúng tôi, các giám mục Nhật Bản tái xác nhận trách vụ này và xin phổ biến bản thông điệp như sau.

Di Trú – Hành Trình Gặp Gỡ
1- “Di cư” là một hiện tượng có tính cách xã hội liên quan sâu đậm đến lịch sử cứu độ cũng như sự phát triển Nước Thiên Chúa. Tổ phụ Abraham đã vâng lệnh Chúa rời bỏ quê hương, hành trình đến miền đất Canaan. Điều này để dân Israel tiếp cận với miền đất Canaan, chuẩn bị cho Chúa Cứu Thế. Và Dân Chúa vẫn luôn tiếp tục cuộc hành trình cho đến khi hoàn thành công cuộc cứu độ, là Nước Chúa ngự đến.

Trước kia khi nước Nhật còn nghèo khổ, đã có chừng một triệu người Nhật di cư đến miền Bắc Mỹ, Nam Mỹ và vài nước Châu Á. Hiện tại, con cháu của những người di cư xưa (còn gọi là Nikkei-jin) có tới khoảng 3 triệu rưỡi (theo trang mạng của Hiệp hội Nikkei-jin Hải ngoại), trong số này không ít là người Công giáo. Những năm gần đây, Nhật Bản đã trở nên giầu có và số người ngoại quốc thuộc nhiều quốc tịch khác nhau đang tăng vọt. Trong đó, những người ngoại quốc sống ở Nhật, nếu bao gồm cả những người tạm trú ngoại lệ, lên tới 2,300,000 người (theo trang mạng của Bộ Tư pháp). Trong số này nhiều người lui tới với Giáo Hội, và ước đoán ít ra cũng có trên 410,000 người là Công giáo. Ngày nay, Giáo Hội Nhật Bản vẫn không ngừng gặp gỡ, tiếp xúc và giúp đỡ, che chở, cứu trợ những người ngoại quốc ở Nhật, với đủ loại lý do.

1. Những người ngoại quốc di cư, lao động và gia đình của họ
2. Người phối ngẫu ngoại quốc qua hôn ước quốc tế
3. Trẻ em gốc ngoại quốc
4. Các thực tập sinh kỹ năng
5. Du học sinh
6. Người Hàn, người Triều Tiên, người Hoa, người Đài Loan đến Nhật làm việc, hoặc bị cưỡng chế lao động trước hoặc trong thời chiến tranh, cũng như con cháu của họ.
7. Người tỵ nạn
8. Các thuỷ thủ ghé cảng ở Nhật
9. Các nạn nhân bị bán buôn
10. Người ngoại quốc bị giam giữ, cầm tù

Qua sự gặp gỡ với những loại người kể trên, nếu chúng ta cùng cầu nguyện, cùng nhắm đến một xã hội, một giáo hội cùng sống chung, hẳn là sẽ mang lại cho xã hội và giáo hội Nhật Bản sự cải cách, biến đổi theo Tin Mừng.


Những điểm chính nảy sinh từ sự gặp gỡ

2 – Về hiện thực của xã hội Nhật Bản, hiện tượng kỳ thị và chủ nghĩa bài ngoại do sự thiếu hiểu biết về sự khác biệt tôn giáo, tập quán sinh hoạt, văn hoá, ngôn ngữ, tính phái, nhân chủng ngày càng thấy sâu đậm. Tại các giáo xứ, sự thông hiểu cũng có phần tăng thêm theo số tín hữu ngoại quốc, nhưng cũng có nơi vẫn còn các động thái như trên. Một mặt, các gia đình cũng như những người di dân đến từ nước ngoài không có được nền tảng xã hội, và vì tình trạng sống bất an định, nên còn bị xem thường tại gia đình, hãng xưởng, trong lối xóm xã hội. Nhiều người vì không được bảo vệ bởi luật pháp của Nhật, nên bị dồn vào thế yếu, bị đối xử cách thiếu nhân đạo.

Hiện tại, luật “Quản Lý Xuất Nhập Cảnh và Công Nhận Tỵ Nạn” (luật Nhập Quốc) quy định 27 tư cách lưu trú cho người ngoại quốc. Và tuỳ theo mỗi tư cách lưu trú, các hoạt động cho phép bị hạn chế nghiêm ngặt. Trong vòng 30 năm qua, người định cư, vĩnh trú theo diện hôn nhân quốc tế gia tăng, nhưng họ không được bảo đảm về quyền lợi như người Nhật. Bởi bị đặt trong trạng huống như vậy, nên đã phát sinh ra nhiều vấn đề. Những vấn đề chính như là, để bù đắp sự thiếu nhân lực lao động người Nhật nhiều thực tập sinh kỹ năng bị bóc lột phải làm việc cách khắc nghiệt; là nạn nhân của bạo lực trong gia đình hoặc bị cô lập trong khu vực đối với phụ nữ theo diện kết hôn quốc tế; trẻ con bị coi thường vì là gốc ngoại quốc; bị đối xử thiếu nhân đạo tại các trại giam giữ vì cư ngụ bất hợp pháp; hoặc là quá ít số người được công nhận quyền tỵ nạn. Và gần đây, vấn đề phát ngôn thù ghét (hate speech) tại nhiều nơi trên toàn quốc cũng là một vấn đề xã hội tiêu biểu đang lan rộng về chủ nghĩa bài ngoại.


Vượt lên sự “Khác Biệt” – Làm Chứng cho Giáo Hội Phổ Quát

3 – Những người Kitô-giáo chúng ta được mời gọi nên một trong Chúa Kitô. Đối với giáo hội Nhật Bản, giờ đây nhất định không thể để mất cơ hội tốt đẹp này. Giáo hội qua mọi thế hệ vượt lên mọi sự khác biệt về văn hoá, tập quán sinh hoạt, khu vực và phải trở nên một cộng đoàn dung hợp với mọi sự tương biệt của nhau. Nhờ kinh nghiệm va chạm và đau khổ phát sinh từ sự khác biệt nhau này, có thể mang lại cơ hội hồi tâm theo tính cách cộng đoàn. Qua mối tương quan cùng hồi tâm, cộng đoàn giáo hội có thể học được sự phong phú đa dạng. Với sự khác biệt như vậy, những nỗ lực sống này sẽ giúp nảy sinh ra một nền văn hoá, một xã hội sống chung mới, không cưỡng bách đồng hoá hoặc ép buộc người khác phải theo lối sống của mình.

Đối với Giáo Hội, mọi người đều là anh chị em trong Đức Kitô. Giáo hội Nhật Bản tuyệt nhiên không phải là giáo hội chỉ dành cho người Nhật. Với ý nghĩa này, Giáo Hội không chỉ nghênh đón người tỵ nạn di dân di trú, mà còn vượt qua mọi sự khác biệt, nhờ cố gắng dựng xây thành một cộng đoàn, có thể làm chứng cho xã hội về một giáo hội phổ quát nữa.

Qua sự gặp gỡ những người khác quốc tịch, có thể làm chứng về Nước Thiên Chúa được dựng xây trên tính nhân bản mới. Lời dạy bảo trong thư của thánh Phaolô gửi tín hữu thành Galát, cũng là thông điệp gửi cho chúng ta ngày hôm nay:

“Thật vậy, nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô. Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô.” (Gal. 3. 26-28)

Mong rằng tất cả những ai đến với Giáo Hội, hoặc mọi người mà Giáo Hội có tương quan với, đều có thể chia sẻ niềm vui của kẻ được gặp Chúa.


Những việc cần làm của giáo hội Nhật

4- Hiện trạng nhiều người từ nhiều nước đã lìa xa gia đình, tổ quốc, dân tộc, tôn giáo, văn hoá, ngôn ngữ để đến Nhật sinh sống hôm nay, cũng là “dấu chỉ của thời đại” đang liên tục biến hoá. “Dấu chỉ của thời đại” này là một thách thức đối với giáo hội Nhật, từ giờ cần tiếp tục nhắm tới Nước Thiên Chúa vượt trên biên giới quốc tịch, và vạch ra khả năng triển khai việc loan báo Tin Mừng mới. Hiện giờ, việc nhiều tín hữu, tu sĩ, linh mục đang tiếp tục hiến thân đáp ứng tại nhiều nơi trên đất Nhật cũng được đánh giá cao trong xã hội. Tuy nhiên, việc đáp ứng thành “dấu chỉ của thời đại” không chỉ là sứ mạng riêng của một số tín hữu, mà phải thành đề tài cho cả toàn thể giáo hội Nhật Bản ngày ngày dấn thân vào. Đó là những việc chính như sau:

a- Những việc cần thực hiện với cấp chính quyền và đoàn thể dân sự

1. Đối với vấn đề xâm hại nhân quyền thường xảy ra, tiên vàn cần hoạt động để bảo vệ nhân quyền. Hợp tác và hoạt động can thiệp về y liệu, tai nạn lao động, sa thải bất công, không trả thù lao, tìm việc, tìm nhà, xin tư cách lưu trú khi quá hạn, giam cầm, cưỡng chế trục xuất, bạo lực gia đình vì hôn nhân quốc tế, giáo dục cho trẻ em gốc ngoại quốc.
2. Về những điều cần giúp cho các gia đình hôn nhân quốc tế, tìm đối sách cho đương sự. Lên kế hoạch và mở các lớp dậy tiếng Nhật, hướng dẫn kiến thức pháp luật, lớp nấu ăn hoặc lớp học về tập quán sinh hoạt.
3. Mở trung tâm lánh nạn (shelter), nỗ lực liên đới sử dụng chung với các nhóm dân sự.
4. Tìm cách giúp để những ai đang trong tình trạng bất hợp lệ bị coi thường về nhân quyền bởi luật “Xuất Nhập Cảnh và Công Nhận Tỵ Nạn” hiện nay, được trở thành “hợp lệ”.
5. Cùng nỗ lực để luật “Xuất Nhật Cảnh và Công Nhận Tỵ Nạn” được đặt trên nền tảng nhân quyền theo pháp lệnh, vừa xóa bỏ chủ nghĩa bài ngoại và kỳ thị, vừa vận động để nhân quyền của người ngoại quốc được đặt nền tảng trên luật “Cơ Bản Triệt Phế Phân Biệt Chủng Tộc” và luật “Cơ Bản Di trú cho Người Ngoại Quốc”.
6. Tín hữu trong giáo hội học tập về điều lệ đã được Tổng Hội Liên Hiệp Quốc quyết định ngày 18 tháng 12 năm 1990, “Quy ước liên quan đến việc bảo hộ quyền lợi của Mọi Người Di Cư Di Trú và Gia Đình của họ”, cùng với các tổ chức dân sự cổ võ và thực thi tại Nhật.
7. Liên đới hiểu rõ, đào sâu mối tương quan giữa các vấn đề như kinh tế, bối cảnh chính trị, giữa các nước gửi người di trú, nước tiếp nhận, nước trung gian.

b. Vấn đề đặc thù của Giáo Hội
1. Giáo hội Nhật Bản nỗ lực hơn trong việc làm chứng tá cho cộng đoàn đa văn hoá, đa quốc tịch.
2. Các địa phận, giáo xứ hợp tác với Uỷ ban Tỵ Nạn Di Cư Di Trú (J-CaRM) cố gắng thực hiện những phương sách cụ thể sau:
– Để tín hữu ngoại quốc có thể tích cực tham dự các bí tích và nghi lễ, vừa tôn trọng cách biểu lộ niềm tin của họ, vừa sắp xếp sao cho thích hợp với cộng đoàn. Cung cấp các sách nghi thức tiếng ngoại quốc và mở các lớp nghiên cứu về giáo dục đức tin cần thiết.
– Tạo cơ hội để cùng giao tiếp, coi như thành viên của giáo xứ, không hệ vào quốc tịch. Và bất kể mọi người ai nấy đều có trách nhiệm xây dựng cộng đoàn, nên cố gắng sắp xếp để ai nấy có thể ghi danh gia nhập vào một giáo xứ nào đó.
– Lo liệu để có thông dịch, phiên dịch khi có thể, nhằm giúp các tín hữu ngoại quốc không bị trở ngại vì thiếu thông tin.
– Để mọi người có thể tham dự thánh lễ bằng tiếng mẹ đẻ, cần lo liệu để có thánh lễ bằng tiếng ngoại quốc cho họ. Mong có thể sắp xếp thánh lễ bằng tiếng ngoại quốc là lễ chính cho giáo xứ. Trong trường hợp này, cần tránh gây ra sự phân rẽ cộng đoàn giáo xứ.
– Lo liệu để bất cứ ai, kể cả tín hữu ngoại quốc có thể tham gia các chương trình, dịp hội họp của giáo xứ theo tính cách chủ thể.
– Mong có thể mở các văn phòng tư vấn tại mỗi giáo phận, giúp giải quyết đối phó với các vấn đề, cách cụ thể.
– Thiết lập cơ chế, hệ thống liên lạc nhằm giải quyết đối phó các vấn đề trực diện mà người ngoại quốc gặp phải, ở cấp Giáo Hội.

Mong thực hiện các điều mục kể trên ở mọi nơi, tại các cơ sở đào tạo giáo dân, chủng sinh, tu sĩ, linh mục, bắt đầu từ những việc có thể một cách tích cực.

Tôi luôn cầu nguyện xin phúc lành của Thiên Chúa toàn năng, Chúa của toàn thể nhân loại tuôn đổ trên chúng ta, đang nỗ lực mong muốn xây dựng một Nước Thiên Chúa, vượt trên mọi biên giới, quốc tịch.

Ngày 25 tháng 9 năm 2016.

Hội đồng Giám mục Nhật Bản
Uỷ ban giám mục về xã hội

● Về bản dịch ra tiếng ngoại quốc này, mọi thắc mắc xin liên hệ với Uỷ ban Tỵ Nạn Di Cư Di Trú.
Uỷ ban Tỵ Nạn Di Cư Di Trú
2-10-10 Shiomi, Koto-ku, Tokyo. 135-8585. Hội quán Catholic Japan.
Điện thoại 03-5632-4441

Ngoại trừ việc sử dụng với mục đích thương mại, nếu xin phép trước có thể tự do sao chép, in ấn các tài liệu trên. Cũng có sẵn tài liệu dành cho người khiếm thính, khiếm thị. Xin liên hệ về địa chỉ ghi trên.

PAGE TOP